QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN

Cùng với sự phát triển của đất nước, qua các thời kỳ lịch sử, ngành Tài chính Trà Vinh đã từng bước hình thành, trong sự hình thành và phát triển của nền tài chính quốc gia từ thấp đến cao, ngày càng phong phú, đa dạng cả về chức năng nhiệm vụ, cả về tổ chức bộ máy; đồng thời với vai trò quan trọng và sự đóng góp của ngành tài chính tỉnh nhà đã từng bước được khẳng định, nhất là trong giai đoạn đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Ngay từ khi Đảng bộ Đảng Cộng sản tỉnh Trà Vinh ra đời, Đảng bộ đã chú trọng đến công tác kinh tài, bởi kinh tài thực sự là huyết mạch của Đảng và của cách mạng.

Trong thời kỳ Đảng còn hoạt động bí mật, chưa nắm được chính quyền, Đảng chưa thành lập cơ quan tài chính chuyên trách. Tuy nhiên, trong mỗi cấp ủy đều cử 01 đồng chí cấp ủy viên lo liệu về tài chính. Nguồn tài chính của Đảng thời kỳ này hoàn toàn dựa vào “vận động lạc quyên” trong Nhân dân như lương thực, thực phẩm, tiền và vật dụng thiết yếu khác. Ngoài ra, cán bộ, đảng viên hoạt động đều thực hiện “ăn cơm nhà lo việc nước”.


Trải qua đấu tranh đầy gian khổ, hy sinh và trải qua những bước thăng trầm nhưng Đảng bộ Trà Vinh được Nhân dân đùm bọc, nuôi dưỡng đã vượt qua những khó khăn, thử thách; từng bước trưởng thành, kiên trì lãnh đạo Nhân dân đấu tranh qua cao trào 1930-1931, 1936-1939, cuộc khởi nghĩa Nam kỳ dẫn đến thắng lợi của cuộc tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945.

Từ đây lịch sử đã chuyển sang thời kỳ mới. Ta có độc lập, có chính quyền, ngành kinh tế - tài chính có những điều kiện mới để tiếp tục xây dựng và phát triển.

Để có ngân sách đáp ứng yêu cầu của Chính phủ, kinh phí xây dựng lực lượng vũ trang và xây dựng quốc phòng, từng bước xây dựng và phát triển nền tài chính của nước Việt Nam độc lập, chuẩn bị cho cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.

Tháng 10-1948, Ty Tài chính Trà Vinh được thành lập, nhưng chỉ nửa năm sau, tháng 4-1949 Ty Tài chính cải tổ thành Phòng Tài chính trực thuộc Ủy ban nhân dân kháng chiến hành chính tỉnh.


Từ năm 1948, tổ chức bộ máy được thống nhất từ tỉnh đến huyện, xã; đến năm 1950 theo sự chỉ đạo của Sở Tài chính Nam Bộ chỉ còn bộ máy kinh tế tỉnh.


Tuy tổ chức bộ máy không ổn định, nhưng thực hiện chủ trương của Đảng “kháng chiến, kiến quốc”, với phương châm “tự lực cánh sinh”, hoạt động kinh tài trong 09 năm chống Pháp ở Trà Vinh, sau là tỉnh Vĩnh Trà đều nhằm mục tiêu chung của Đảng là đẩy mạnh tăng gia sản xuất, bồi dưỡng sức dân, bảo đảm nhu cầu kháng chiến, đồng thời đã tạo được nền tảng kinh tế dân chủ mới, dần xóa bỏ chế độ kinh tế thực dân phong kiến.


Ngành kinh tài Trà Vinh đã theo sát sự phát triển của cách mạng, bảo đảm đời sống lực lượng cách mạng và Nhân dân ở vùng giải phóng góp phần cải thiện dân sinh, phục vụ đáng kể cho quân sự và chính trị.


Cuộc kháng chiến chống Mỹ ở miền Nam nói chung, Trà Vinh nói riêng là một cuộc chiến tranh nhân dân, toàn dân, toàn diện trên nhiều lĩnh vực mà kinh tế tài chính là một trong những mặt trận quan trọng.


Ban kinh tài Trà Vinh đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được Đảng và tổ chức cách mạng giao phó. Trong hoàn cảnh chiến tranh ác liệt, khó khăn thiếu thốn, các cán bộ, chiến sĩ ngành kinh tài đã không ngần ngại gian khổ, chiến đấu, mưu trí và dũng cảm hoàn thành nhiệm vụ được phân công vừa đánh giặc, vừa sản xuất tự túc, tự cấp, vận động Nhân dân xây dựng được nguồn hậu cần tại chỗ phục vụ đánh địch, dù phải hy sinh nhưng không để tiền bạc lọt vào tay giặc.


Hoạt động kinh tài ở Trà Vinh không những đã đảm bảo cung cấp nhu cầu thiết yếu cho tiền phương, hậu phương mà còn đăng nộp về Trung ương Cục, tất cả nhằm mục tiêu thắng giặc Mỹ xâm lược.


Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thực hiện sự chỉ đạo của Trung ương, sáp nhập tỉnh Trà Vinh và Vĩnh Long thành tỉnh Cửu Long (1976); theo đó, Ty Tài chính Cửu Long thành lập trên cơ sở sáp nhập Ty Tài chính Trà Vinh và Ty Tài chính Vĩnh Long. Năm 1992, Cửu Long lại tách ra làm hai tỉnh Vĩnh Long và Trà Vinh.


Sở Tài chính Vật giá tỉnh Trà Vinh được lập lại vào ngày 05 tháng 6 năm 1992.


Từ đây, ngành tài chính tỉnh nhà đã từng bước ổn định và phát triển; tham mưu cho Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh việc đổi mới và cơ cấu lại ngân sách Nhà nước theo hướng tích cực, bảo đảm cơ sở vững chắc cho nguồn thu góp phần đẩy nhanh sự nghiệp tăng trưởng kinh tế của địa phương, giữ vững ổn định xã hội, đẩy mạnh phát triển giáo dục đào tạo, xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển khoa học công nghệ, bảo đảm an ninh quốc phòng, không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân, xóa đói giảm nghèo, tạo ra nhiều việc làm, ổn định và phát triển kinh tế xã hội, giữ vững quốc phòng và an ninh trên địa bàn.


Hơn 70 năm xây dựng phát triển và trưởng thành của ngành tài chính Trà Vinh, mặc dù không liên tục bởi 02 lần sáp nhập tỉnh (trong kháng chiến chống Pháp từ tháng 05-1951 đến tháng tháng 7-1954; trong xây dựng hòa bình 1976-1991), qua những năm tháng hoạt động, chúng ta rút ra được những truyền thống vẻ vang, đó là:


- Truyền thống vững tin vào Đảng, một lòng theo Đảng, trung thành với sự nghiệp cách mạng cao cả của Đảng và của dân tộc.


- Luôn dựa vào dân để xây dựng ngành; thực tế hơn 70 năm qua, từ lúc khởi đầu của cách mạng, không có cơ sở vật chất nhưng biết dựa vào dân nên đã biến không thành có, biến khó thành dễ.


- Nêu cao đạo đức cách mạng, tinh thần đoàn kết, trung thực, liêm khiết và tận tụy với nhiệm vụ của đội ngũ cán bộ, chiến sĩ của ngành.


Dù năm tháng có qua đi, bối cảnh tình hình có thay đổi, nhưng truyền thống cơ bản sẽ tồn tại mãi mãi với thời gian và phát huy giá trị của nó trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa của đất nước hôm nay.


Nhìn lại những chặng đường lịch sử đã qua, mỗi cán bộ, công chức ngành tài chính Trà Vinh có thể tìm thấy cho mình những điều bổ ích, từ đó ra sức vươn lên xây dựng ngành tài chính tỉnh nhà không ngừng phát triển vững mạnh xứng đáng với sự tin cậy của Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó trong hiện tại và tương lai./.

image advertisement

image advertisement

image advertisement

Thống kê truy cập
  • Đang online: 24
  • Hôm nay: 1161
  • Trong tuần: 17 490
  • Tất cả: 2855861