Hướng dẫn mới về lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước phục vụ hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa
Ngày 29 tháng 7 năm 2021, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 64/2021/TT-BTC hướng dẫn lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước phục vụ hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Thông tư có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 10 năm 2021 và thay thế Thông tư liên tịch số 157/2010/TTLT-BTC-BTP ngày 12 tháng 10 năm 2010 của Bộ trưởng Bộ Tài chính, Bộ trưởng Bộ Tư pháp hướng dẫn việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước bảo đảm cho công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp.

Đối tượng áp dụng được quy định là Bộ, cơ quan ngang bộ, chính quyền địa phương cấp tỉnh; doanh nghiệp nhỏ và vừa; tổ chức đại diện cho doanh nghiệp; cơ quan, tổ chức và cá nhân cung cấp dịch vụ hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; cơ quan, tổ chức và cá nhân khác có liên quan đến hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Theo đó, nguồn kinh phí bảo đảm hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa gồm: Nguồn ngân sách nhà nước bảo đảm theo phân cấp ngân sách nhà nước; nguồn kinh phí tài trợ, hỗ trợ, đóng góp của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước phục vụ hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; nguồn kinh phí hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.

Các nội dung và mức chi chung phục vụ hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa được xác định như sau:

Đối với nội dung chi đã có chế độ, tiêu chuẩn, định mức thực hiện theo quy định hiện hành, gồm: Kinh phí tổ chức các hội nghị chuyên môn, hội nghị sơ kết và tổng kết; hội nghị tập huấn; công tác phí trong nước; đi công tác nước ngoài; chi dịch tài liệu từ tiếng Việt sang tiếng nước ngoài và ngược lại; chi làm đêm, thêm giờ phục vụ hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; chi hoạt động kiểm tra, giám sát.

Ngoài các nội dung chi nêu trên, Thông tư còn quy định một số nội dung và mức chi, cụ thể như: Chi xây dựng, quản lý, duy trì, cập nhật, khai thác và sử dụng các dữ liệu, cơ sở dữ liệu phục vụ hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; chi hoạt động cung cấp thông tin pháp luật trong nước, thông tin pháp luật nước ngoài, pháp luật quốc tế, cảnh báo rủi ro pháp lý và chính sách của ngành, lĩnh vực, địa phương liên quan đến lĩnh vực hoạt động của doanh nghiệp nhỏ và vừa; chi tổ chức các hoạt động bồi dưỡng kiến thức pháp luật; chi tổ chức đối thoại, diễn đàn tư vấn pháp luật cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; chi mua các ấn phẩm, sách, tài liệu tuyên truyền phục vụ hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; chi xây dựng và thực hiện chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Việc lập, phân bổ dự toán và quyết toán kinh phí bảo đảm cho công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa thực hiện theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước, pháp luật về kế toán. Cụ thể: Về lập dự toán, đối với chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp của các Bộ, cơ quan ngang bộ, chính quyền địa phương cấp tỉnh, căn cứ chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa được phê duyệt theo quy định tại Nghị định số 55/2019/NĐ-CP ngày 24 tháng năm 2019 của Chính phủ; căn cứ kế hoạch triển khai hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa của Bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh theo quy định tại khoản 2 Điều 15 Nghị định số 55/2019/NĐ-CP ngày 24 tháng năm 2019 của Chính phủ; căn cứ nội dung chi, mức chi quy định; các cơ quan, đơn vị lập dự toán kinh phí từ ngân sách nhà nước thực hiện hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa và tổng hợp chung trong kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa hàng năm theo quy định; gửi cơ quan chủ quản cấp trên trực tiếp tổng hợp, gửi đơn vị dự toán cấp I để gửi cơ quan tài chính cùng cấp tổng hợp trình các cấp có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước. Đối với kinh phí để thực hiện Chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa của các Bộ, cơ quan ngang bộ, chính quyền địa phương cấp tỉnh năm 2021 do các Bộ, cơ quan ngang bộ và chính quyền địa phương cấp tỉnh bố trí, sắp xếp trong phạm vi dự toán đã được cơ quan có thẩm quyền giao để thực hiện.

Việc chấp hành dự toán, quyết toán kinh phí bảo đảm cho công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa của các cơ quan, đơn vị thực hiện theo quy định hiện hành.

Các mức chi quy định tại Thông tư là mức chi làm căn cứ để các Bộ, cơ quan ngang bộ lập dự toán chi phục vụ hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ quyết định việc ban hành mức chi cụ thể từ nguồn ngân sách nhà nước để thực hiện hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trong phạm vi dự toán ngân sách nhà nước đã được cấp có thẩm quyền giao.

Căn cứ tình hình thực tế tại địa phương và khả năng cân đối ngân sách địa phương, Ủy ban dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định việc ban hành mức chi cụ thể cho phù hợp để thực hiện ở địa phương. Trường hợp các Bộ, cơ quan ngang bộ, địa phương không ban hành mức chi cụ thể, thì thủ trưởng cơ quan, đơn vị căn cứ mức chi quy định tại Thông tư để thực hiện nhưng tối đa không vượt quá mức chi quy định tại Thông tư này, đảm bảo tiết kiệm, tránh lãng phí, trong phạm vi dự toán nguồn kinh phí được cấp có thẩm quyền giao.

Đính kèm: Thông tư số 64/2021/TT-BTC ngày 29 tháng 7 năm 2021

Mộng Hường

 
Tin khác
1 2 3 4 5  ... 

image advertisement

image advertisement

image advertisement

Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 101
  • Trong tuần: 1 099
  • Tất cả: 2897697